Mụn trứng cá là một bệnh có tỉ lệ hiện mắc cao trong chuyên khoa da liễu, thường gặp trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, vẫn có thể mắc bệnh trong giai đoạn 30 – 50 tuổi.
Hiện nay, mụn trứng cá được xem là bệnh mạn tính, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhất là với thanh niên. Mụn trứng cá có cơ chế bệnh sinh phức tạp, do đó điều trị cần phối hợp nhiều biện pháp và kéo dài đủ liệu trình, đặc biệt là cần phải được điều trị tích cực, kịp thời để hạn chế bệnh và di chứng của nó. Biến chứng chủ yếu của mụn trứng cá là sẹo và tăng sắc tố sau viêm (thâm mụn).
Mụn trứng cá có thể để lại sẹo
1. Các loại sẹo do mụn trứng cá
Sẹo là biến chứng chủ yếu và ám ảnh nhất đối với những người bị mụn trứng cá. Tất cả các thể mụn trứng cá đều có thể dẫn đến sẹo. Nhưng loại thường gặp nhất là loại nốt và nang mụn. Sẹo rất hay xảy ra sau khi bạn cào, gãi, nặn mụn không đúng cách. Có ba hình thái sẹo mụn trứng cá sau:
Sẹo lõm: là những hố lõm nhỏ, sâu trên bề mặt da của bạn, là tàn tích sau những đợt mụn nghiêm trọng.
Vết sẹo lồi: là sự quá phát của mô sẹo, làm da sần sùi.
Sẹo rỗ: là những lõm nông hình tròn hoặc hình bầu dục, giống miệng núi lửa.
Việc hình thành sẹo sau mụn phụ thuộc khá nhiều vào việc chăm sóc điều trị của bạn và cơ địa của bạn. Điều trị mụn chưa chắc là dễ dàng nhưng điều trị sẹo thì chắc chắn là khó khăn.
2. Một số phương pháp điều trị sẹo sau mụn
Kem trị sẹo
Sản phẩm này thường chứa các thành phần như dẫn xuất bromelain từ quả dứa, nha đam, nghệ vàng, hành tây, mật ong… . Việc điều trị này cực kỳ an toàn, nhưng cần nhiều thời gian lâu dài và vết sẹo sẽ khó có thể hết hoàn toàn. Khi sử dụng kem sẹo bạn cần kiên trì. Phương pháp này phù hợp dành cho sẹo mới, sẹo thời gian đầu.
Liệu pháp laser
Điều trị bằng laser phù hợp cho các loại sẹo mức độ từ nhẹ đến trung bình. Có hai loại trong liệu pháp laser. Laser xâm lấn: Dùng laser để loại bỏ phần da sẹo. Laser không xâm lấn: Dùng laser để kích thích sự phát triển của collagen, có thể cải thiện được các tổn thương của da.
Phẫu thuật
Có nhiều phương pháp phẫu thuật như ghép da, cắt bỏ sẹo. Phương pháp này phức tạp hơn nhưng có thể có được kết quả rõ ràng. Tuy nhiên nó cũng gây trở ngại vì nhiều khác hàng ngại các biện pháp xâm lấn.
Tiêm
Trong trường hợp các vết sẹo lồi, có thể sử dụng các mũi tiêm để làm phẳng các vết sẹo. Phương pháp này có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với phương pháp khác.
Tăng sắc tố sau viêm
1. Biểu hiện
Chứng tăng sắc tố da sau viêm (thâm) thể hiện dưới dạng các đốm đổi màu tối hơn so với làn da của bạn. Các vết này có các màu biến đổi từ màu hồng, đỏ đến nâu hoặc đen. Sự nghiêm trọng của tăng sắc tố tùy thuộc vào màu da và độ tổn thương viêm mụn đang diễn ra.
Khi bị mụn trứng cá, ảnh hưởng của quá trình viêm kích thích tăng tế bào melanin – tế bào biểu bì sản sinh sắc tố. Tế bào này giải phóng ra melanin (hắc tố) quá mức. Sắc tố có vai trò quan trọng trong tạo màu cho da và tóc. Các hạt sắc tố nhỏ này khiến đổi màu vùng da bị tổn thương. Quá trình này duy trì một thời gian dài sau khi mụn trứng cá đã lành.
2. Các phương pháp điều trị thâm mụn
Điều trị tại chỗ
Có nhiều biện pháp điều trị tại chỗ giúp làm sáng da bị tổn thương tăng sắc tố thượng bì. Cơ chế của của các phương pháp này khác nhau. Nên kết hợp các cách điều trị dưới đây có thể đem lại cải thiện có ý nghĩa: Hydroquinon, Acid azelaic, Kem vitamin C, Kem tretinoin, Acid glycolic… Đây là điều trị cơ bản để điều trị thâm mụn nhưng kết quả chỉ đến với những ai kiên trì.
Các phương pháp khác
Lột da hóa học, điều trị laser và liệu pháp ánh sáng là những phương pháp trị thâm mụn mới có hiệu quả nhanh chóng. Nhưng kèm theo đó là không ít biến chứng. Vì vậy, bạn nên thực hiện ở những cơ sở uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc.