Nguyên nhân và yếu tố liên quan đến cơ chế phát sinh của mụn trứng cá vẫn đã và đang được các chuyên gia nghiên cứu làm rõ. Tuy nhiên, nó rất phức tạp dẫn đến việc điều trị mụn còn gặp nhiều khó khăn. Hiểu về phân loại mụn trứng cá giúp bạn có cách trị mụn hiệu quả hơn, chăm sóc da và loại trừ nguyên nhân gây mụn.
Mụn trứng cá thông thường
Đây là thể mụn trứng cá hay gặp nhất. Mụn trứng cá thông thường xuất hiện ở tuổi dậy thì và những người có cơ địa tăng tiết bã nhờn. Biểu hiện của những người này là da nhờn, mỡ, trơn, bóng, tóc nhờn, lỗ chân lông giãn rộng. Thương tổn là các nhân mở hoặc kín, sẩn mủ, nang viêm,…
Mụn thường khu trú ở vùng da mỡ như mặt, ngực, lưng. Nguyên nhân thường do cơ địa tăng tiết bã nhờn, nội tiết tố tuổi dậy thì. Điều trị bệnh tùy thuộc mức độ nặng nhẹ của bệnh để có phác đồ sử dụng thuốc bôi, uống phù hợp.
Mụn trứng cá bọc
Đây là một thể nặng của bệnh. Thương tổn là các nang, áp xe chứa mủ, đau. Ngoài ra còn có các sẩn mủ, mụn mủ, sẹo sau mụn,…
Nguyên nhân có thể do tăng bài tiết chất bã, sừng hóa cổ nang lông và tác động của vi khuẩn. Đôi lúc phải cần đến kháng sinh trong trường hợp mụn này.
Mụn trứng cá tối cấp
Tổn thương xuất hiện cấp tính, vỡ, loét rất đau, có thể kèm sốt cao. Mụn trứng cá tối cấp hay khu trú ở ngực, lưng, đặc biệt hay gặp ở nam giới hơn so với nữ giới.
Mụn trứng cá do mỹ phẩm
Loại mụn trứng cá này hay gặp ở những người hay lạm dụng mỹ phẩm. Hoặc sử dụng mỹ phẩm không thích hợp. Một vấn đề nổi trội hiện nay là các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, được trộn corticoid. Ngay sau những lần dùng corticoid bôi đầu tiên, bạn có thể thấy da mình trắng, hồng. Nhưng nếu kéo dài, sẽ gây bùng phát mụn trứng cá.
Cách phòng tránh mụn trứng cá do mỹ phẩm là khi mới bắt đầu dùng, nên dùng lượng nhỏ và để thời gian lưu trên da ngắn. Sau đó, tăng dần lượng và thời gian. Ngược lại, khi có biểu hiện mụn nổi bất thường sau dùng loại mỹ phẩm mới, bạn cần dừng và đi khám bác sĩ da liễu ngay lập tức.
Mụn trứng cá do thuốc
Mụn trứng cá do thuốc được hiểu là mụn nổi trên da có mối liên quan đến việc sử dụng thuốc. Theo các bác sĩ da liễu, các thuốc dùng toàn thân có thể gây nổi mụn như: glucocorticoid, các vitamin nhóm B, isoniazid, quinidin, azathioprin, cyclosporin, thuốc chống động kinh, lithium….
Việc phân biệt chẩn đoán mụn do thuốc với mụn trứng cá thông thường, viêm nang lông là vô cùng quan trọng vì cách xử lý hoàn toàn khác nhau. Nếu thực sự là do thuốc, dừng thuốc ngay và khám tư vấn bác sĩ là điều cần làm ngay.
Bệnh trứng cá do nghề nghiệp
Khái niệm này khá là còn mới mẻ đối với một số người. Các bệnh nghề nghiệp có thể gây bệnh trứng cá như những người tiếp xúc lâu dài với các chất như dầu mỡ, bụi silic, bụi than, môi trường làm việc nóng, ẩm thấp, bí bách… Cần dùng khẩu trang, mặt nạ trong lúc làm việc và rửa mặt kỹ sau khi tiếp xúc.
Mụn trứng cá do yếu tố cơ học
Những động tác như nặn, bóp, cọ xát tưởng như không liên quan gì đến mụn trứng cá. Sự thật, những động tác này gây tổn thương da, làm bít tắc lỗ chân lông và gây mụn trứng cá. Vì vậy, các bạn không nên dùng tay nặn, bóp mụn, vừa không hợp vệ sinh vừa có thể làm tăng mụn.