Trong quá trình mang thai, cơ thể của người mẹ sẽ có nhiều biến đổi và xuất hiện nhiều hiện tượng trước đây chưa từng có. Bên cạnh các bà bầu xinh đẹp, da trắng hồng thì vẫn có những người bị tác động mạnh của việc mang thai làm ảnh hưởng đến nhan sắc. Một trong những hiện tượng phổ biến mà bà bầu hay mắc phải đó chính là sự xuất hiện các vùng sạm da còn gọi là “mặt nạ thai kỳ”, hay nói cách khác đó là hiện tượng nám da.
Khi mang thai, nám da sẽ là hiện tượng sinh lý khó tránh khỏi. Vì thế các bà bầu cũng đừng nên quá lo lắng làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và thai nhi. Để giúp các mẹ bầu hiểu hết về hiện tượng này, dưới đây là những điểm cơ bản về chứng sạm da mà các mẹ nên tìm hiểu và có cách phòng tránh hiệu quả.
Nguyên nhân gây nám da thai kỳ
Sự thay đổi nội tiết tố của phụ nữ trong thời kỳ mang thai kích thích quá trình sản sinh melanin gây nên tình trạng nám da. Melanin là sắc tố quyết định màu da, tóc và mắt của con người.
Phụ nữ có làn da sẫm màu thường dễ bị nám hơn phụ nữ có làn da sáng màu. Bạn cũng có khả năng bị nám da nếu trong gia đình bạn có người thân cũng gặp phải tình trạng này.
Dấu hiệu nhận biết nám thai kỳ
- Nếu trên cơ thể của mẹ xuất hiện những dâu hiệu dưới đây, chứng tỏ mẹ đã bị nám da:
- Xuất hiện các đốm đen trên mặt
- Các vùng da vốn có sắc tố đậm như đầu vú, tàn nhang, các vết sẹo và da ở vùng kín sẽ trở nên sạm màu hơn khi mang thai.
- Xuất hiện các đốm đen ở cẳng tay và những phần khác trên cơ thể có tiếp xúc với ánh nắng.
- Sắc tố da ở vùng đùi thay đổi
- Xuất hiện những đường sẫm màu chạy dọc vùng bụng
- Những vùng da bị tăng độ sạm sẽ mờ đi trong vài tháng sau khi sinh và da của bạn sẽ trở về màu sắc như bình thường, tuy nhiên ở một số trường hợp, những thay đổi về sắc tố da không hoàn toàn biến mất.
Sau sinh, tình trạng nám da liệu có được cải thiện?
Tình trạng nám, sạm da thường sẽ mờ dần mà không cần điều trị sau khi bạn sinh con. Các vết đốm sậm màu thường sẽ mờ dần trong vòng một năm sau khi sinh và làn da của bạn sẽ trở lại màu da bình thường, mặc dù đôi khi tình trạng này sẽ không thể biến mất hoàn toàn.
Đối với một số phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai có chứa estrogen ( thuốc tránh thai, vòng âm đạo) cũng góp phần gây nên tình trạng nám da. Nếu sự thay đổi này khiến bạn khó chịu, bạn có thể lựa chọn biện pháp tránh thai khác.
Nếu làn da của bạn vẫn còn vết đốm mờ sau vài tháng bạn sinh con và nó khiến bạn thấy khó chịu, bạn có thể tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của da hoặc các bác sĩ da liễu để lựa chọn các phương pháp điều trị nám. Các chuyên gia có thể sẽ chỉ định bạn dùng loại kem tẩy trắng có chứa hydroquinone.
Nếu bạn đang cho con bú hoặc dự định có thai sớm, bạn nên nói chuyện trước với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe của da trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào. Để cải thiện tình trạng của da phải mất rất nhiều thời gian, nếu các phương pháp điều trị không đạt được hiệu quả, bác sĩ da liễu có thể làm sáng các đốm da tối màu bằng laser nhưng đây không phải là lựa chọn hàng đầu.
Trong mọi hoàn cảnh, bạn nên tiếp tục bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách sử dụng kem chống nắng hàng ngày, mặc quần áo bảo hộ và tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào giờ cao điểm.