Độ tuổi dậy thì thường bắt đầu từ 12 đến 20 tuổi là tuổi có sự thay đổi nội tiết mạnh nhất. Ở giai đoạn này, sự thay đổi đột ngột (thể chất, tâm sinh lý…) của cơ thể và sự hoạt động mạnh mẽ của hormone giới tính khiến bã nhờn tiết ra quá mức, cộng thêm thời tiết nóng ẩm và môi trường khói bụi, ô nhiễm và vi khuẩn propionibacterium acnes (một loại vi khuẩn gây mụn thường trú trên da) sẽ gây bít tắc lỗ chân lông và sinh nhân mụn.
Những nguyên nhân gây mụn trứng cá tuổi dậy thì
Đặc tính làn da, cơ địa cá nhân
Nhiều người có thể bị ảnh hưởng bởi cùng một yếu tố môi trường sống và mất cân bằng hormone, tuy nhiên không phải ai cũng dễ bị mụn. Đặc tính làn da, cơ địa mỗi người là khác nhau, cộng thêm thói quen sinh hoạt, tiền sử chăm sóc da cũng khác nhau nên sẽ có người bị mụn, người lại không.
Di truyền
Nếu cha mẹ của bạn bị mụn trứng cá, khả năng cao là bạn cũng sẽ gặp tình trạng tương tự. Tuy nhiên, di truyền và thay đổi hormone không phải là nguyên nhân duy nhất gây mụn mà còn từ môi trường sống và thói quen sinh hoạt.
Chăm sóc da không đúng cách
Rửa mặt quá nhiều lần, lạm dụng hoặc sử dụng sản phẩm có chứa dầu khoáng, mỹ phẩm kém chất lượng chứa corticoid… Ngoài ra, người dùng thuốc chống động kinh, thuốc thận, thuốc ngừa thai hoặc do bệnh lý buồng trứng đa nang cũng dễ bị mụn.
Một số nguyên nhân khác
Một số lý do thường gặp khác là stress, căng thẳng do học hành, thi cử; ăn nhiều đồ chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, chiên xào, đồ ngọt, béo, uống nhiều trà sữa; môi trường ô nhiễm, khói bụi, nguồn nước… Các thói quen xấu như sờ, nặn mụn, không vệ sinh khăn mặt, chăn gối, thức khuya… cũng gây ra tình trạng này.
Thực tế, nhiều trường hợp qua tuổi dậy thì hormone dần ổn định, tình trạng mụn cũng được cải thiện hoặc mụn tự hết. Tuy nhiên, không phải ai cũng vậy, nhất là khi đã bị mụn nhưng tìm hiểu không kỹ nguyên nhân, cơ chế và điều trị không đúng cách, mụn sẽ chuyển nặng và xuất hiện nhiều hơn. Nếu không điều trị sớm, mụn sẽ gây bội nhiễm da, tái đi tái lại thời gian dài và thậm chí gây tổn thương da khó phục hồi.
Vậy nguyên nhân nào khiến người qua tuổi dậy thì rồi vẫn bị mụn?
– Người qua tuổi dậy thì vẫn có thể đối mặt với mụn. Nguyên nhân có thể là do mụn xuất hiện từ tuổi dậy thì nhưng không điều trị, kéo dài đến lúc trưởng thành; bị mụn nhưng chăm sóc da mụn và trị mụn không đúng cách; người trưởng thành có cơ địa da nhờn; nội tiết tăng cao dẫn đến mất cân bằng hormone trong cơ thể. Ngoài ra, phụ nữ thay đổi nội tiết; người thường xuyên đối mặt căng thẳng, sử dụng các chất kích thích hay thiếu hụt vitamin, khoáng chất… cũng dễ gặp tình trạng này.
– Người mắc có thể tự điều trị mụn tuổi dậy thì tại nhà không và bằng cách nào thưa bác sĩ?
– Tình trạng mụn nhẹ, không viêm (mụn đầu trắng, đầu đen) có thể điều trị tại nhà bằng cách làm sạch da với các sản phẩm dịu nhẹ, có khả năng kháng khuẩn, từ bỏ thói quen sờ nặn mụn, thay đổi và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, vệ sinh vật dụng cá nhân, hạn chế căng thẳng… Trong trường hợp mụn không giảm hoặc có mụn mủ, mụn viêm…, người mắc nên đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và chọn lựa phương pháp phù hợp.