Phải sử dụng đến thuốc kháng sinh trong điều trị là điều không ai mong muốn. Chưa kể đến vấn đề kháng kháng sinh đang là vấn nạn toàn cầu. Vì vậy, chúng ta nên trang bị hiểu biết cơ bản về các vị thuốc dân gian, thực phẩm có tác dụng kháng sinh tự nhiên, tăng cường đề kháng. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh này.
1. Tỏi – thuốc kháng sinh quen thuộc trong căn bếp nhà bạn
Tỏi – loại gia vị đã quá quen thuộc với mỗi người Việt Nam từ xa xưa đã được sử dụng trong nhiều nền văn hóa như một loại kháng sinh tự nhiên và có thể kháng cả nấm và virus.
Hoạt chất đáng chú ý nhất có trong tỏi là chất allicin, tinh dầu tỏi giàu glucogen và aliien, fitonxit. Nhờ vậy mà tỏi giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giảm cảm cúm, kháng lại vi khuẩn gây bệnh.
Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học trường Đại học Copenhagen Đan Mạch còn cho thấy trong tỏi có hợp chất tên ajoene có khả năng làm yếu các quần thể vi khuẩn giúp tăng hoạt động của kháng sinh.
Ngoài ra, tỏi còn có thể giải quyết được một số loại vi khuẩn nguy hiểm thường gặp ở bệnh viện như Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) gây nhiễm trùng huyết. Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) kháng methicillin (MRSA) gây chốc lở, viêm tủy xương, viêm mô tế bào trên da, viêm phổi, thậm chí nhiễm trùng huyết hay suy đa tạng.
2. Gừng
Theo Nam dược thần hiệu: Gừng tươi tính ấm, vị cay, thông được khí, khởi được thần, mở được 9 khiếu, trừ tà khí, hồi phục chính khí. Gừng khô tính ấm, vị cay, chữa được chứng hư nhiệt, phong hàn, đau bụng, các chứng thất huyết…
Ngoài ra, gừng còn có 2 tác dụng tuyệt vời là kháng khuẩn và chống nấm. Gừng có thể chống lại nhiều loại vi khuẩn như E. coli và Salmonella, là những nguyên nhân phổ biến từ thực phẩm gây bệnh đường tiêu hóa, tiêu chảy, đau bụng. Bởi vậy mà gừng thường xuất hiện trong các bài thuốc chữa tiêu chảy do lạnh, tiêu chảy nhiễm khuẩn, lỵ ra máu, đau bụng toát mồ hôi và giải quyết nhiều vấn đề đường tiêu hóa.
3. Nghệ
Cũng như tỏi và gừng, nghệ là loại gia vị rất quen thuộc với người Việt và xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm chức năng nhờ những tác dụng tuyệt vời của mình.
Nghệ chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, ngăn ngừa viêm loét… Đối với chị em, nghệ còn được sử dụng để làm đẹp, giảm thâm, trị mụn, giúp điều tiết giảm nhẹ mụn trứng cá nhờ tính chất kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa.
Một nghiên cứu được công bố năm 2009 còn cho thấy hoạt chất Curcumin trong củ nghệ có khả năng chống lại vi khuẩn Helicobacter Pylori – nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày.
4. Mật ong – kháng sinh tự nhiên tốt nhất
Mật ong được mệnh danh là một trong những vị thuốc kháng sinh tự nhiên tốt nhất.
Không những mang lại nguồn dinh dưỡng dồi dào, mật ong còn được sử dụng như một vị thuốc chữa các bệnh tiêu hóa, hô hấp vô cùng hiệu quả nhờ tính năng kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa tuyệt vời.
Một nghiên cứu năm 2014 trình bày trước Hiệp hội Hóa học Mỹ nhận thấy rằng mật ong có khả năng chống nhiễm trùng trên nhiều cấp độ. Đó là nhờ sự kết hợp độc đáo của các hydro peroxide, acid trong mật ong có tác dụng thẩm thấu, nồng độ đường rất cao và polyphenol giúp tiêu diệt các tế bào vi khuẩn.
Thật không ngoa khi mật ong còn được gọi là “vàng lỏng”.
5. Hành
Không chỉ là một loại gia vị thơm ngon, hành lá còn mang lại rất nhiều Vitamin và khoáng chất nhất là Vitamin A, C giúp mắt, niêm mạc khỏe mạnh và tăng cường miễn dịch.
Về tác dụng kháng khuẩn, hành lá chứa chất allicine có tác dụng diệt khuẩn rất tốt đối với một số bệnh như thương hàn, lỵ, trực khuẩn, vi trùng tả, bệnh bạch hầu. Tuy nhiên chất này dễ bị mất tác dụng khi ở nhiệt độ cao. Bởi vây khi chế biến nên cho hành vào sau cùng để tránh làm mất chất allicine quý giá.
Ngoài ra, hành lá cũng thường được sử dụng để tiêu đờm và ngăn chặn tạo đờm trong cơ thể.
6. Rau diếp cá
Nổi tiếng với hương vị “không mấy dễ chịu” đối với nhiều người, rau diếp cá là một vị thuốc kháng sinh tự nhiên vô cùng hiệu quả.
Theo y học hiện đại, rau diếp cá có chứa decanoyl-acetaldehyd có tác dụng kháng khuẩn như ức chế tụ cầu vàng, phế cầu, liên cầu, e.coli, trực khuẩn bạch hầu gây các bệnh lý nhiễm khuẩn nguy hiểm…
Theo y học cổ truyền, rau diếp cá vị chua, cay, tính mát, tác động vào 2 kinh can và phế. Nhờ tác dụng của Quercitrin và Dioxy-flavonon, diếp cá giúp lợi tiểu, làm chắc thành mao mạch có thể dùng chữa trí. Ngoài ra, nó còn diếp cá còn thường dùng để thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
7. Rau kinh giới
Loại rau này chứa hai chất có tác dụng kháng khuẩn mạnh là carvacrol và thymol, là những kháng sinh rất hiệu quả với diệt ký sinh trùng đường ruột như giun, sán gây chảy máu, ngộ độc, tắc ruột…
Rau kinh giới thường được dùng để chữa rối loạn dạ dày, giảm chứng khó tiêu, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn hoặc có thể dùng làm thuốc chữa viêm xoang. Ngoài ra rau kinh giới còn đem lại nhiều khoáng chất như kali, canxi, magie, sắt… giúp tăng cường dinh dưỡng, ngăn ngừa thiếu máu.
8. Dầu dừa
Tác dụng dinh dưỡng của dừa thì không cần phải bàn cãi. Vậy còn dầu dừa thì sao?
Dầu dừa có khoảng 50% acid lauric, là loại acid có thể chống khuẩn, kháng virus, chống nấm ở mức độ nhẹ nên thường được sử dụng như một thành phần mỹ phẩm giúp da khỏi bị nhiễm khuẩn, chống nấm.
Trong làm đẹp, dầu dừa còn có thể được dùng để dưỡng tóc vô cùng hiệu quả. Acid lauric trong dầu dừa có thể ngấm sâu vào tóc, phủ một lớp ngoài bảo vệ, giảm nước ngấm vào và làm giảm mức trương nở tóc, nhờ đó giúp cho tóc mượt và giảm hư hại.
Tuy nhiên dầu dừa có 90% là acid béo no, tuy giúp chiên xào ngon hơn và ít bị cháy nhưng lại không tốt cho tim mạch. Cho nên không nên dùng dầu dừa thường xuyên để xào nấu hoặc trộn salad dùng hằng ngày.
Theo Nội khoa Việt Nam